1. Y pháp, bất y nhân: Nương vào pháp, mà không nương theo người.
Pháp ở đây là chân lý, là tất cả các sự vật hiện tượng đang diễn ra ở nơi mỗi con người trong giây phút hiện tại. Người học đạo cần thấy rõ sự vận hành của pháp, nương theo thực tại đang diễn ra đó và sống cùng với thực tại ấy.
Nhân là con người, con người ấy có thể là cha, mẹ, anh chị em, là bạn, là thầy và cho dù đó là đức Thế Tôn thì ta cũng không thể nương vào, vì chân lý vốn có sẵn nơi chính mình chứ không nơi khác. Phật hoặc những vị thầy là người chỉ cho ta thấy con đường, còn đi như thế nào, gặp những trở ngại gì… thì tự thân của mỗi người có cảm nhận khác nhau, nên mỗi người cần tự điều chỉnh cho phù hợp với thực tại chân lý, chứ không thể y cứ giống hệt như người thầy. Cố nhiên, chúng ta cần nương vào vị Thầy nào đó để học hỏi đạo lý, nhưng pháp thực hành thì ta phải biết trở về với tự thân của mình để điều chỉnh nhận thức và hành vi trong mỗi phút giây hiện tại chứ không ai khác.

2. Y trí, bất y thức: Nương vào trí tuệ, mà không nương theo nhận thức chủ quan.
Trí là tuệ giác do thực hành giới định mà có, trí tuệ không phải do vay mượn kiến thức xã hội hoặc đọc nhiều kinh sách mà có được. Trí tuệ là cái thấy trong sáng vượt thoát mọi quan điểm, tư duy lưỡng nguyên hữu ngã. Thực tại đang như thế nào thì thấy như thế đó mà không thêm bớt bất cứ điều gì.
Thức là nhận biết có chọn lựa, phân tích chia chẻ, và có thói quen tích lũy những quan điểm kinh nghiệm của quá khứ và dễ dàng áp đặt lên thực tại.
Kiến thức rất cần thiết vì đã giúp cho chúng ta hiểu biết về cơ bản của cuộc sống, nhưng kiến thức không đủ khả năng giúp cho chúng ta vượt thoát ra khỏi phiền não khổ đau.
Người học đạo muốn trực nhận được chân lý thì cần thường trực trở về với chính mình để tâm được định tĩnh, và nương vào cái thấy sáng suốt đang là, chứ không nương theo kinh nghiệm chủ quan, hoặc nhận thức khô cứng do vay mượn học hỏi từ bên ngoài.

3. Y nghĩa, bất y ngữ: Nương vào nghĩa, mà không nương theo ngôn ngữ.
Nghĩa là nội dung, là nghĩa lý thâm sâu được mô tả bởi ngôn ngữ diễn đạt để giúp cho người nghe thông qua ngôn ngữ ấy mà thấu hiểu được vấn đề. Tuy nhiên, có những người do chấp chặt vào lời nói nên không lãnh hội được nội dung của người muốn nói. Do đó, người học đạo cần phải “học hạnh lắng nghe” với tâm định tĩnh sáng suốt để không bị dừng lại vào ngôn ngữ diễn đạt, mới có thể thông suốt được nội dung thâm sâu của người muốn nói.

4. Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa: Nương vào nghĩa lý giác ngộ giải thoát, mà không nương theo nghĩa lý không đem lại sự giác ngộ giải thoát.
Liễu nghĩa là nghĩa lý có chất liệu của chân lý giác ngộ giúp cho con người vượt ra khỏi lục đạo luân hồi. Liễu nghĩa là nghĩa lý cao siêu vượt lên trên những nghĩa lý thông thường của thế gian nên đươc gọi là chân đế.
Bất liễu nghĩa là nghĩa lý bình thường đối đãi tạm bợ trong thế gian cho nên gọi là tục đế. Bất liễu nghĩa không có khả năng giúp cho con người vượt khỏi vòng sanh tử luân hồi.
Tuy nhiên, tùy theo duyên nghiệp, căn cơ và trình độ của mỗi người để tiếp nhận những nghĩa lý khác nhau. Đối với người này thì giáo nghĩa đó phù hợp, nhưng đối với người kia thì chẳng mấy đem lại lợi ích an vui cho họ. Vì vậy, ta không thể nào khẳng định rằng, thể loại kinh văn này là bất liễu nghĩa, còn thể loại kinh văn kia là liễu nghĩa. Ví như với giáo lý tối thượng nhưng đối với người căn cơ tối tăm thì không thể lãnh hội được, nên giáo lý ấy không có ý nghĩa cao thâm đối với họ. Nhưng đối với người căn cơ nhạy bén thì liền trực nhận ra được điểm yếu chỉ thâm sâu nên đối với họ thật tuyệt vời!
Tóm lại, điều cốt lõi là người học đạo muốn thành tựu trí tuệ giác ngộ thì cần nương vào lời chỉ dạy của các bậc minh sư để biết cách ứng dụng hành trì, nhằm có cơ hội khai sáng tâm thức và sống trọn vẹn với từng khoảng khắc hiện tại.

Viên Ngộ