Đạo Phật: Đạo là chân lý, là con đường. Phật là người tỉnh thức, là người thấy ra sự thật chân lý. Sự thật thì đang hiện hữu ở nơi mỗi người, ngay nơi thân, thọ, tâm, pháp. Ví dụ: thực tại của bông hoa này là như vậy, không cần suy luận, phân tích gì cả mà mọi người đều thấy ra sự thật ngay lúc này. Nhưng khoảng một tuần sau, khi có một người kể về bông hoa theo cách diễn tả của người ấy cho một nhóm người khác nghe, nhưng bản thân của những người nghe không thấy thực về bông hoa, và như thế họ cứ phán đoán theo trí tưởng tượng của họ; người này thì nói bông hoa là màu trắng, người nọ thì cho rằng bông hoa màu vàng, v.v… nên cái thấy của họ về bông hoa chỉ là ảo tưởng. Trong thực tế, người nào khéo thấy ra thực tại của bông hoa với tâm rỗng lặng trong sáng, không qua phân tích, bình luận, chứng minh gì cả, thì ngay lúc đó chân lý hay chánh pháp hiện hữu đối với họ.

Phật giáo: Là y theo lời Phật dạy trong kinh văn để tu tập, chứ không tiếp xúc được với hiện thực. Vì sau 100 năm đức Phật Niết bàn thì 25 bộ phái xuất hiện và luận giải lời Phật dạy khác nhau nên gọi là dị bộ luận và đến khoảng 600 năm lại ra đời 10 tông phái chính: Nhất thiết hữu bộ, độc tử bộ, hóa địa bộ, pháp tạng bộ, ẩm quang bộ, v.v… mỗi tông phái y cứ vào một bộ kinh để tu hành. Ví dụ: kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Kim Cang, Di Đà… và từ đó Phật giáo đã hình thành nên các tông phái.

Pháp môn: Là cửa ngỏ đi vào ngôi nhà phật pháp. Khi các tông phái được thành lập thì có nhiều pháp môn ra đời. Trong pháp môn ấy lại có nhiều phương pháp tu tập khác nhau và dĩ nhiên sẽ phù hợp với người này, nhưng lại không hợp với người kia, nên phương pháp đó bị giới hạn và không thực dụng cho tất cả mọi người, nên dễ dàng dẫn tới các cuộc tranh luận đúng sai. Từ đó tạo ra thanh quy và hệ thống tổ chức, và nếu ai đó không thực hiện đúng nội quy tổ chức thì sẽ sa thải, tách rời, v.v… Mặt khác, vì ta không thấy rõ thực tại chân lý mà chỉ nương vào các biểu tượng mô tả trong kinh để tìm hiểu chân lý nên gọi là Tượng Pháp. Tượng là tương tựa như vậy chứ không chính xác như lời đức Thế Tôn khai thị. Đơn cử, không ai thấy rõ hình tướng đức Phật như thế nào cả, cho nên mỗi người tự khắc họa tượng Phật khác nhau theo trí tưởng tượng suy đoán của riêng họ, nên thế giới ngày nay có vô số hình ảnh về đức Phật khác nhau.

Tôn giáo: Là tôn thờ lời dạy của một bậc đạo sư nào đó mà chúng ta tôn kính. Nhưng chỉ biết tôn thờ mà không hiểu rõ về nội dung lời dạy của bậc đạo sư ấy thì gọi là tín ngưỡng. Và tin mà không hiểu thì sẽ dễ dàng rơi vào mê tín. Đến với đạo mà chỉ dừng lại ở niềm tin, chứ không tìm hiểu học hỏi và thực hành để đem lại niềm an vui giải thoát, thì người ấy sống cách xa chân lý nên gọi là mạt pháp. Mạt là ngọn ngành, là cành lá chứ không phải gốc rễ của thân cây.

Thiết nghĩ, vì mọi thứ trên cuộc đời đều thay đổi theo thời gian, nên người học đạo cũng phải biết khéo léo vận dụng và tạo ra các phương tiện tu học, nhằm đáp ứng phù hợp cho con người trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên, chân lý thì muôn đời vẫn thế, nếu một người con con mắt tuệ sáng trong, thì cho dù ở bất cứ hoàn cảnh hay thời đại nào đi nữa, thì người ấy cũng có thể tiếp xúc được với chân lý nhiệm mầu.

Như vậy, Chánh pháp, tượng pháp, mạt pháp là tùy ở nơi mỗi người có biết học hỏi và thực hành đúng hay không, chứ không phải ở thời gian hay không gian nào cả. Nếu một người sinh ra vào cùng thời Đức Phật, nhưng họ thực hành không đúng pháp và không có an lạc, thì người ấy sống trong thời mạt pháp. Còn ngược lại, tuy những người sống cách xa Phật, nhưng lại thực hành đúng pháp và đem lại sự an lạc giải thoát, thì người ấy đang sống trong ngôi nhà chánh pháp.

Viên Ngộ