Montreal, ngày 19 tháng 10 năm 2024,
Kính bạch Thầy,
Vậy là đã 9 tháng con vào lớp học của Thầy kể từ 8/12 âm lịch (18/01/2024) và kết thúc khoá học vào ngày 15/09 âm lịch (17/10/2024) gồm phần cuối lớp Phật Pháp Căn Bản và trọn bài Tứ Niệm Xứ.
Với tiêu chí xuyên suốt các buổi giảng: TRỞ VỀ, TRỌN VẸN, RÕ BIẾT; Thầy đã cho con bao nhiêu cơ hội để quan sát, nhìn nhận, thực tập và sửa chữa những suy nghĩ, cảm thọ, hành vi đã và đang phát sinh trong con qua THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP.
Con nhận ra bao nhiêu dòng cảm xúc trôi qua trong những buổi học: háo hức, chán nản, chống cự, hối hận, thu phục và lòng biết ơn sâu sắc. Những nụ cười và cả những giọt nước mắt con đã rơi mỗi khi được phát biểu trong buổi học và nhất là những lúc Thầy cho cơ hội để viết bài.
Khi viết bài kỳ trước (Học kỳ I, lớp Tứ Niệm Xứ), con đã khóc thật nhiều, khóc nức nở, khóc nghẹn ngào, khóc như một đứa trẻ. Chắc là vì khi mới vào học lớp của Thầy, cái tâm thiện lành của con bị dồn nén, bị uất ức, bị “ăn hiếp” bởi cái tâm không thiện. Cho nên, khi lòng con lắng xuống, thì cảm giác hối hận, nhận ra sai lầm của mình bùng cháy và những dòng nước mắt tuôn chảy.
Tuy nhiên, hơn ai hết, con biết rằng Thầy cảm thông sâu sắc sau khi nghe con bày tỏ những suy nghĩ ấu trĩ của mình. Thầy đã từng viết “trong tâm thức của mỗi người có 2 đức tính căn bản đó là thiện và bất thiện” (Hạnh Phúc Từ Cách Nhìn, Biết Chấp Nhận Nhau Là Hạnh Phúc) hoặc “Trong tâm thức của chúng ta cũng có hai đặc tính căn bản của hoa và rác” (Hoa và Rác).
Giờ đây, con thấy được những phản ứng ốt dột đó là vì sự cố chấp, bản ngã, định kiến từ những tập khí sai lầm để cố gắng lôi kéo cái tôi của mình. Con đã tìm ra câu trả lời qua những buổi giảng của Thầy, cũng như qua “Hạnh Phúc Từ Cách Nhìn”. Khi đọc cuốn sách của Thầy, con nghĩ là sao Thầy biết tâm ý chúng sanh nhiều vậy và chúng sanh đó là con; Thầy không ngừng nhắc nhở: “cũng do thói quen phản kháng của bản ngã thường áp đặt và làm méo mó cái thực tại đang là nên ta không đủ khả năng sáng suốt để thấy rõ được giá trị đích thực của sự sống” (Đôi Bàn Tay Khéo Léo). Hay “sự cố gắng ấy là do cái tôi âm thầm tạo dựng ra để thỏa mãn với cái tôi vi tế hơn” (Hạnh Phúc Tùy Cách Nhìn) và “nặng nề thói quen chấp thủ và ôm ấp những nhận thức mà trước đó mình đã thu nhận được. Thói quen lưu giữ, cố chấp, vướng mắc vào những việc đã qua và mơ tưởng nôn nóng với những gì chưa đến là căn bệnh khó chữa của tâm ý của con người” (Đôi Bàn Tay Khéo Léo). May mắn con đã kịp thời “trở về” để lãnh hội những bài giảng quý báu của Thầy với lòng đầy biết ơn sâu sắc.
Nếu ai đó có hỏi là con đã nhớ hết tất cả những gì Thầy giảng hay không thì chắc chắn là không thể nào nhớ hết. Nhưng con biết chắc một điều là khi con có thắc mắc, vướng bận một vấn đề gì thì con sẽ tìm được câu trả lời trong các bài giảng của Thầy. Chẳng hạn như Tứ niệm xứ là gì? Tứ Diệu Đế là chi? Thế nào là quán 32 thể trượt, 9 loại tử thi? Năm triền cái và cách tháo gỡ 5 triền cái? Năm thủ uẩn, 12 xứ, 10 kiết sử hay thất giác chi? và nhiều hơn thế nữa…
Con đã từng ngụp lặn khi tự học Đạo, đến nỗi có lúc bị trầm cảm vì thấy biển học mênh mông mà Kinh Tạng thì đầy ấp không biết bắt đầu từ đâu. Chưa kể là khi tìm ra được thì đọc cũng không hiểu, không thông suốt.
Nếu đem đúc kết tất cả các bài giảng của Thầy thì chỉ là một cuốn tập học sinh 100 trang, nhưng trong đó, Thầy đã tổng hợp, cô đọng, xúc tích rất nhiều kiến thức từ các nguồn tài liệu khác nhau, một cách dễ hiểu cho mọi tầng lớp, rành mạch, rõ ràng, bố cục chặt chẽ, hình ảnh minh họa và màu sắc sinh động … Đặc biệt, trong mỗi biểu đồ, mỗi bài giảng con thấy được nguồn Tuệ Giác và Trí Tuệ của Thầy tuôn chảy để trao truyền cho thế hệ mai sau.
Trước đây, con liên tục bị các vọng tưởng, lăng xăng lôi cuốn, không kiểm soát được đến nỗi mệt mỏi, nhức đầu… Con muốn loại trừ, dứt bỏ, “đấu tranh” với những ý nghĩ đó nhưng lại “thua” cuộc. Lúc đó, con nào hay biết “từ bỏ cái ta ảo tưởng, bạn không thể dùng lý trí hay ý chí để đoạn trừ nhằm đặt được như ý. Bởi những cố gắng để trở thành ấy vẫn rơi vào ý đồ vi tế của cái ta tham vọng” (Thấy Rõ Cái Ta Ảo Tưởng).
Từ khi con thấm thấm các bài giảng của Thầy, hằng ngày con quan sát và dùng “cái biết” để thấy những lăng xăng trong tâm: đó có thể là những hồi ức đẹp, những kỷ niệm buồn, bực bội, hối hận …hay đó có thể là những mộng tưởng về những chuyện chưa xảy ra hoặc là những thêu dệt về chuyện tương lai xa vời. Giờ đây, với những lời chỉ dạy của Thầy, con tập nhận biết, mỉm cười, thầm thì với vọng tưởng, lăng xăng rằng: cám ơn “bạn” ghé thăm, “bạn” là một đoàn tàu đang đi qua trước mặt mình và mình đang quan sát “bạn”, khi “cái biết” của mình xuất hiện thì “bạn” cũng vừa mới đi qua…
Con cũng để dành thời gian cho chính bản thân mình: sáng sớm trước khi đi làm, khi vừa vào đến phòng làm việc, giữa buổi làm việc và tối trước khi đi ngủ. “Mỗi ngày, bạn nên dành một ít thì giờ để ngồi yên và lắng nghe những nhu yếu từ thân tâm của mình” (Hạnh Phúc Đang Biểu Hiện) . Con đang tập tành những lời Thầy chỉ dạy.
Tuy nhiên, có những khi, con vẫn bị lôi cuốn bởi những suy nghĩ mong lung đó: có ngày dữ dội, có khi nhẹ nhàng. Con đang cố gắng nhận diện “bạn ấy” với một cái tâm không phân biệt vì nay con biết rằng: “Rác không hẳn là thứ nhơ nhớp, xấu xa cần phải loại bỏ mà rác có khả năng âm thầm đóng góp tích cực đem lại lợi lạc cho đời sống con người.” (Hoa và Rác). “Tâm lý tiêu cực không hẳn là thứ nhất thiết phải loại bỏ mà đôi lúc nó rất cần để cho chúng ta biết trở về và chiêm nghiệm lại chính mình” (Biết Chấp Nhận Nhau Là Hạnh Phúc).
Mỗi ngày, lái xe đi làm hay về nhà; đi bộ từ bãi đậu xe đến phòng làm việc, hay làm điều gì đó, con cũng biết “trở về” để tri ơn những người đã làm nên con đường cho mình đi, xây dựng nơi cho mình làm việc, dọn rác, quét đường…; cám ơn những chị em thư ký trong khoa, các cô chú kỹ thuật viên và các bạn đồng nghiệp… “Biết ơn còn là điều kiện tất yếu để tạo ra hạnh phúc chân thật” (Lòng biết ơn).
Con cũng đã nhận ra rằng những người đã và đang gây ra muộn phiền, bực bội cho mình thì cũng do chính mình mà ra: có mình thì họ mới có đối tượng để gây phiền não và biết đâu, lầm lỗi là do mình. Hoặc con coi họ là những Bồ Tát Nghịch Duyên. Mà đã là Bồ Tát thì họ cũng có lòng Từ Bi. Chẳng qua là mình không đủ khả năng nhận diện lòng Từ Bi của họ mà thôi. “Vì khi ta sống trong mê mờ và lãng quên thực tại, thì cách cư xử với người thân sẽ dễ dàng chứa đựng những tính toán, ích kỷ của bản ngã tham sân si, mà lắm lúc ta không hề hay biết” (Chuyển Hóa Để Trở Thành Người Con Hiếu Thảo).
CẢM NGHĨ VỀ KHÓA HỌC
“TRỞ VỀ, TRỌN VẸN, RÕ BIẾT”
Cám ơn Thầy đã luôn nhắc nhở. Tuy nhiên, nghe thì thật là đơn giản nhưng lại không dễ dàng thực tập chút nào. Vì tập khí mấy mươi năm thì chắc là cũng cần vài năm nữa hay vài chục năm nữa để sự “trở về” được “trọn vẹn” như là hơi thở, nhịp tim trong mỗi thời khắc của cuộc đời. Ví như một cái cây đang nghiêng về một bên mấy chục năm nay thì để uốn nắn lại cũng cần thời gian và sự kiên trì.
Con vẫn tự nói với lòng mình là học trường đời cũng cần ít nhất 12 năm để xong trung học. Người có khả năng và may mắn thì có thể tiếp tục vào đại học và lên cao nữa. Vậy trong đường đạo thì cũng cần có thời gian. Điều quan trọng là con đã thấy được đường đi và trên con đường ấy đã có sự hết lòng chỉ dẫn của Thầy.
Nguyện xin cố gắng, cố gắng và cố gắng để “nhìn lại chính mình, nhận diện rõ thân tâm và hoàn cảnh đương đại trong trạng thái yên tĩnh và sáng suốt” (Mùa Xuân Đang Hiện Hữu)
GATE GATE PARA GATE PARA SAM GATE BODHI SWAHA.
Con xin tri ân Thầy và các Quý Thầy Cô chịu nhiều thử thách để lan truyền Đạo Pháp trên những vùng đất cội nguồn Thánh Giá.
“Quán chiếu thân, thọ, tâm và pháp hay tu tập Tứ Niệm Xứ với tâm định tĩnh và sáng suốt, chính là nương tựa Chánh Pháp hay quay về Nương Tựa Chính Mình” (Nương Tựa Chánh Pháp).
Kiếp trước khéo tu mới được vầy Kiếp này thanh thản lại quên sao? (sưu tầm)
Kính,
Tuyết Nhung (Như Phượng)