Ngày tu quán niệm

2017-05-24 in Bài Viết

Ngày tu quán niệm lần thứ 05. Từ 9:00 am đến 4:00 pm, chủ nhật ngày 28-05-2017

  • 9:00 am: Tĩnh tọa
  • 9: 30 am: Lạy Phật Sám Hối/Tụng kinh
  • 10:30 am: Pháp thoại
  • 12:00 pm: Thọ trai
  • 01:00 pm: Thiền buông thư
  • 02:00 pm: Vấn đáp/pháp đàm
  • 04:00 pm: Hoàn mãn
  • Xin quý vị vui lòng ghi danh qua email đến Tu Viện ít nhất là trước 02 ngày, để Ban tổ chức có thì giờ chuẩn bị thức ăn đầy đủ cho quý vị.

Các thời khóa tu học trong tháng:

1.Phật Pháp Ứng Dụng: Mỗi tối thứ sáu, từ 8:00 pm đến 9:30 pm

2.Trà Đạo: Mỗi sáng thứ bảy, từ 6:30 am đến 9:30 am.

3.Phật Học Đời Sống: Chủ nhật tuần thứ hai, từ 10:00 am đến 1:00 pm

 

Trân trọng cám ơn!

Ban Tu Học Đạo Viên

Mái chùa nỗi nhớ

2017-04-02 in Bài Viết

Có những người sinh ra là hành nhân cuộc lữ. Hoặc vì tác động ngoại cảnh gọi mời, hoặc vì khát vọng lý tưởng nội tâm… đành giã biệt quê nhà mà đi.

Giã từ quê nhà, nơi chôn nhau cắt rốn, khách ly canh cánh bên lòng biết bao hình ảnh thân thương: cha mẹ, bà con thân thuộc; lũy tre hàng chuối, bến sông giếng nước đầu làng. Và chẳng hay tự bao giờ, hình ảnh mái chùa đã hòa quyện làm một với quê hương làng nước. Thế nên, với ly khách, hình ảnh ngôi chùa là hình ảnh tác động sâu lắng nhất, đậm nét nhất trong tâm thức.

Ai đã từng đọc thơ Nguyễn Bính:

Quê tôi có gió bốn mùa

Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm

Sương hôm gió sớm trăng rằm

Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi

Mai nầy tôi bỏ quê tôi

Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi bỏ chùa!

Ông Nguyễn Bính bảo quê ông có gió bốn mùa, trăng giữa tháng… nhưng chùa thì có cả quanh năm. Phải chăng cái “có” ấy như là cái có tất yếu, cái có thường trực, cái có bất khả phân ly với quê hương. Và hình như cái có ấy lấn trùm lên mọi quê hương làng mạc Việt Nam, từng thấm đẫm nề nếp văn hóa làng mạc, văn hóa Phật giáo Việt Nam…

Bỏ trăng, bỏ gió có thể bỏ dễ dàng nhưng khi phải bỏ cả chùa thì thi nhân Nguyễn Bính có cảm giác rợn người như đang vấp phải nỗi đau đứt ruột, nên mới thốt lên hai âm tiết thần tự giữa câu thơ lục bát: “chao ôi”!

Nỗi đau lớn nhất trong tâm thức ly khách là phải bỏ ngôi chùa thân thương mà đi, bỏ lại tiếng chuông sớm tiếng mõ chiều đầm ấm quen thuộc mà đi… Vì vậy, trên vạn dặm đường đời, trên dặm trường cát bụi, nỗi nhớ quê nhà man mác, bao giờ hình ảnh ngôi chùa vẫn là hình ảnh đặc thù, sâu đậm được nhớ về, nhớ lại nhiều nhất, bâng khuâng, da diết nhất…

Hãy cùng lắng nghe thi sĩ Huyền Không nhớ chùa:

Tự thuở ra đi vắng bóng chùa

Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua

Trong tôi bừng dậy niềm chua xót

Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa.

Hệt như nhà thơ Nguyễn Bính, cất bước ra đi là canh cánh bên lòng nỗi nhớ. Nỗi nhớ chùa. Ra đi mà hanh thông yên ả thì có thể nỗi nhớ chùa nhẹ nhàng hơn tí chút. Ra đi mà vấp phải lao nhọc vì chuyện hơn thua trên đường đời thì nỗi nhớ chùa càng xuyến xao da diết bội phần.

Mà nhớ chùa thì đâu phải chỉ nhớ nhung duy nhất hình ảnh mái chùa. Nhớ chùa là nỗi nhớ mênh mang trùm cả cảnh chùa. Mà cảnh của chùa không chỉ là cảnh riêng của mái chùa kia. Cảnh của chùa chính là toàn cảnh của quê hương làng nước, toàn cảnh của cả một vùng miền văn hóa đình chùa miếu vũ khắng khít với tổng thể ngàn năm văn hiến Việt Nam:

Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng

Có con đường đỏ chạy lang thang

Có hàng tre gợi hồn sông núi

Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng.

Đường đất đỏ, hàng tre xanh… hồn sông núi đó quyện với cảnh của chùa, hồn của chùa:

Có những cây mai sống trọn đời

Bên hàng tùng bách mãi xanh tươi

Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa

Đức Phật từ bi mỉm miệng cười.

Những cây mai, cây tùng, cây bách sống trọn đời là bao nhiêu tuổi? Là những mấy trăm năm? Từ ngữ trọn đời khiến người đọc liên tưởng đến độ lâu độ bền, độ không tính đếm được… Đã bao nhiêu năm tháng rồi nơi điện thờ trầm lặng ấy vẫn phảng phất khói hương trầm. Và nụ cười mỉm từ bi vô lượng của đức Phật vẫn cứ mãi mãi như là nguồn ân phước ban phát cho muôn loại quần sinh. Ngôn ngữ bình dị mộc mạc, chân chất, trong sáng của câu thơ “đức Phật từ bi miệng mỉm cười” khiến bạn đọc cảm xúc đến rưng rưng nước mắt. Hình ảnh đức Phật sao mà gần gũi thân thương với chúng ta, với dân làng xóm thôn đến vậy?

Khi đã giới thiệu với người đọc nỗi nhớ một tổng thể bối cảnh thanh bình, an lạc của ngôi chùa với quê hương xứ sở với làng mạc xóm thôn nơi chôn nhau cắt rốn, thiền sư thi sĩ Huyền Không người làng Phương Lang còn nói thêm cho chúng ta nghe nếp sinh hoạt thiền vị nhẹ nhàng thanh thoát, bản sắc truyền thống hàng trăm năm, trú dạ lục thời, bốn mùa tám tiết nơi ngôi chùa đó:

Tôi nhớ làm sao những buổi chiều

Lời kinh giải thoát vọng cao siêu

Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi

Cầu nguyện dân làng sống mến yêu.

Lời kinh giải thoát cùng tiếng mõ cốc, tiếng chuông ngân… vang vọng cao siêu đến chín tầng trời, ngân nga trầm tích đến bảy tầng địa ngục… ấy chính là pháp âm mầu nhiệm vỗ về hôm sớm cho dân làng ngày hai buổi, sớm đến tối, ngày rồi đêm, sống mà biết mến yêu nhau, đùm bọc che chở lẫn nhau, tối đèn tắt lửa có nhau.

Vì vậy đâu cần phải có cao lương mỹ vị, chẳng vòi vĩnh gì nem công chả phượng, bánh tôm Hồ Tây, chả cá Lã Vọng… chỉ sắn khoai gạo bắp, chỉ với ánh trăng thanh, với ngọn gió lành, với tiếng chuông chùa ngân xa lan xa… thứ lương dược, thiền duyệt thực ấy đủ để nuôi sống dân ta, sống cuộc đời thanh cao, sống cuộc đời bình dị, thanh thản giữa quê hương làng nước thanh bình…

Tôi nhớ làm sao những buổi chiều

Lời kinh giải thoát vọng cao siêu

Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi

Cầu nguyện dân làng sống mến yêu.

Vì vậy làng tôi sống thái bình

Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh

Sắn khoai gạo bắp nuôi dân xóm

Xây dựng tương lai xứ sở mình.

Mỗi tối dân quê đón gió lành

Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh

Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi

An ủi dân lành mọi mái tranh.

Trầm đốt hương thơm bay ngạt ngào

Thôn trên xóm dưới dạ nao nao

Dân làng tắm gội lên chùa lễ

Mười bốn ba mươi mỗi tối nào.

Nếp sinh hoạt mang tính thời khóa biểu nhà trường giữa trường đời đó của dân làng đã trở thành nỗi nhớ thường trực trong tâm khảm khách tha hương. Dù xa ngàn dặm không biết ở phương sở nào, từng ngày từng tháng từng năm, thì nhà thơ vẫn cảm thấy mình cũng như đang hòa mình làm một với nếp sinh hoạt nề nếp muôn đời đó.

Ôi! Cha ông chúng ta hiền lành chất phác dung dị, một nắng hai sương, chân lấm tay bùn… mồ hôi mồ kê dầu dãi, nhưng cứ mười bốn ba mươi… cứ tắm gội sạch sẽ rồi thì lên chùa lễ Phật.

Nề nếp sinh hoạt, nhu cầu văn hóa tín ngưỡng ấy gắn bó hữu cơ với tâm thức với máu thịt mình. Và khi chưa có được điều kiện thuận thường đặt những bước chân quy hồi cố quận… nhà thơ vẫn cứ bâng khuâng dằng dặc: gởi nhớ nhung về. Và dù có bao nhiêu tang thương dâu bể đổi thay nhà thơ vẫn canh cánh tâm thành cầu nguyện cho chùa khỏi tái tê.

Biết đến bao giờ trở lại quê

Phân  vân lòng gởi nhớ nhung về

Tang thương dù có bao nhiêu nữa

Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê

Bài thơ Nhớ Chùa, thi sĩ Huyền Không viết ở Sài Gòn năm 1956, thuở ông còn rất trẻ, giã từ chùa Thiên Minh ở Huế vào hành đạo ở chốn đô thành. Sau này ông cho in lại vào tập Mây Trắng Thong Dong. Ở đó, bạn đọc thấy tác giả bộc bạch rõ hơn tâm tư tình cảm của mình: “Tôi muốn dành tất cả thơ tôi cho những ngôi chùa suốt đời chung thủy với quê hương, cho làng Phương Lang và những thôn làng mộc mạc đang chia nỗi điêu linh cùng đất nước, cho mọi tấm lòng Phật tử sắt son hộ đạo dựng đời, cho những tâm hồn biết sống gắn bó với thơ”*. Thiền sư viết dòng này ở Los Angeles cuối thu Quý Dậu (1993) nghĩa là hơn 37 năm sau.

Sắt son gắn bó đời mình với thơ, với mái chùa thân thương, nhà thơ Trụ Vũ từng phát biểu:

Mỗi khi nhìn thấy bóng ngôi chùa

Tôi lại thấy quê hương mình hiển hiện

Mây phương đông vẫn lên hường

Ngôi chùa còn đó quê hương vẫn còn

(Trụ Vũ – Quê Hương)

Cứ nhìn thấy bóng ngôi chùa là lập tức thấy bóng hình quê hương mình hiển hiện. Và hiển hiện là hiển hiện giữa một vòm khí hậu huy hoàng rực rỡ: mây hồng phương Đông, phương trời tâm linh của Trời Phương Ngoại.

Với lối kiến trúc đặc biệt, những ngôi chùa bao giờ cũng ẩn giấu sau lũy tre xanh, dưới gốc cây đa, ở một nơi thanh tịnh như bản chất khiêm cung, mộc mạc hồn nhiên, thích ứng và hòa hợp của Phật giáo, mái chùa còn chất chứa một sức mạnh vạn năng của đời sống tâm linh và tư tưởng Việt:

Mái  chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông.

Lấy nền tảng tư tưởng đạo Phật làm nền tảng lý tưởng đời mình, trọn đời hiến thân xứng bậc sứ giả Như Lai, hoằng dương Phật pháp… nhà thơ đã dắt dẫn bạn đọc từng bước từng bước thấy hình ảnh ngôi chùa chan hòa làm một với quê hương làng nước Việt Nam, gắn bó thủy chung trước sau như nhất với văn hóa, với dân tộc Việt Nam. Tác giả sống trọn đời mình với tâm thức ấy, nên dù cho đi bất cứ nơi đâu, dù xa ngàn dặm, bất cứ thời điểm nào, có thể hàng vài ba mươi thập niên… chỉ nghe thấy tiếng chuông chùa vang lên văng vẳng đâu đó là tác giả nhớ ngay đến ngôi chùa, không chỉ ngôi chùa làng Phương Lang, mà còn biết bao nhiêu ngôi chùa thân thương khác nữa. Vì tất cả mọi ngôi chùa đều là những mái chùa chung. Do đó nhà thơ đã khép lại bài thơ của mình bằng một chân lý bất di bất dịch:

Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông.

Theo: Tập san Pháp luân 79

Ngày Tu Quán Niệm

2017-02-21 in Bài Viết

Chủ nhật ngày 26-02-2017, từ 9:00 am đến 4:30 pm.

  • 9:00 am: Thiền tọa
  • 9: 30 am: Thiền hành/Lạy Phật Sám Hối/Tụng kinh
  • 10:30 am: Pháp thoại
  • 12:00 pm: Khất thực quá đường (ăn cơm chánh niệm)
  • 01:00 pm: Thiền buông thư
  • 02:00 pm: Pháp đàm/Vấn đáp
  • 04:00 pm: Suối Nguồn Tươi Trẻ
  • 04:30 pm: Hoàn mãn
  • Nếu quý vị muốn dự ngày Tu Quán Niệm xin vui lòng ghi danh trước ít nhất là 03 ngày để ban tổ chức có thì giờ để chuẩn bị thức ăn cho quý vị, và xin quý đến Tu Viện đúng giờ để sự tu học đạt được nhiều lợi lạc.
  • Các thời khóa tu học trong tháng:
  1. Phật Pháp Ứng Dụng: Mỗi tối thứ sáu, từ 7:30 pm đến 9:30 pm
  1. Trà Đạo: Mỗi sáng thứ bảy, từ 6:30 am đến 9:30 am.
  1. Phật Học Đời Sống: Chủ nhật tuần thứ hai, từ 2:00 pm đến 5:00 pm.

Lệ phí: Tùy hỷ cúng dường

 

Trân trọng cám ơn!

Tu Viện Đạo Viên

Hai mặt của cuộc sống

2017-02-21 in Bài Viết

Tất cả các sự vật hiện tượng hiện hữu trên cuộc đời này đều có hai mặt đối ngược lẫn nhau, như là: được và mất, hơn và thua, phải trái, thương ghét, đẹp xấu, lớn nhỏ, nóng lạnh… Và việc đối nghịch nhau này, chính là sự thật tất yếu để hình thành nên cuộc sống. Cái này nuôi lớn hiện hữu trong cái kia, và ngược lại cái kia có mặt trọn vẹn trong cái này. Nhìn vào bông hoa, ta thấy có yếu tố góp phần của phân rác, và khi nhìn sâu vào đống rác ta lại thấy có bông hoa hiện hữu trong nay mai. Giữa rác và hoa là hai thực tại có trong nhau, làm nên nhau, chúng chẳng phải là hai và cũng không phải là một. Nếu bạn muốn loại bỏ phân rác thì dĩ nhiên sẽ loại trừ luôn cái đẹp đẽ tinh túy của bông hoa, đó là sự thật. Tuy vậy, ít ai có thể dễ dàng chấp nhận cả hai thứ mà chỉ muốn chọn lựa một phần mình yêu thích, nên vô tình người ta đã đánh mất đi cả hai mặt thực tại của cuộc sống.

 

Thông thường, con người chỉ muốn tìm kiếm, sở hữu những gì tốt đẹp nhất để được an hưởng hạnh phúc lâu dài, nhưng khổ nỗi chính ý niệm truy tìm ấy lại là đầu mối nguy hại làm phân hóa niềm an vui hạnh phúc mà ta đang có! Vì nếu trong tâm bạn cứ mãi hiện hữu các ý niệm mong cầu sở đắc về một điều gì đó thì đã rơi vào trạng thái bất an rồi, chưa nói đến khi đạt được điều như ý thì lòng tham ái của bạn lại càng trở nên cố thủ, lo lắng và sợ mất! Đơn cử, khi được kết hôn với một người giàu sang xinh đẹp mà bạn thương yêu nhất trên đời, dĩ nhiên bạn muốn người ấy chung sống với bạn suốt cả cuộc đời, đúng không? Và để giữ vững hạnh phúc lứa đôi, bạn cần phải tìm đủ mọi cách để bảo vệ mối tình đẹp đẽ ấy, nhưng nếu không may cô ấy hoặc anh ấy đi quan hệ thương yêu mặn nồng với một người khác thì bạn cảm thấy thế nào? Tất nhiên, bạn sẽ khổ đau gấp bội! Như vậy, khi chưa sở hữu cái gì cả thì ta vọng tâm tham muốn, đến lúc đạt được điều như ý ta lại càng khổ tâm hơn vì sợ mất! Thế nên, khi nào ta còn có ý niệm chọn lựa lấy bỏ tức là vẫn chưa thừa hưởng được một cuộc sống hạnh phúc thực sự. Mặt khác, đã là con người phàm tình thì bất cứ ai cũng phải có đầy đủ các tâm lý vui buồn, thương nhớ… nếu một ai đó thiếu vắng những cảm xúc bình thường như trên thì quả thật đáng lo ngại. Mọi thứ hiện hữu trong cuộc đời này vốn dĩ có cả hai mặt, nhưng bạn chỉ ưa thích một mặt thôi thì làm sao có được? Nỗi buồn, cơn giận cũng có cái hay cái đẹp của nó, quan trọng là mỗi khi chúng phát khởi bạn có đủ sự trầm tĩnh để chiêm nghiệm và học ra được điều gì ngay tại đó hay không? Thực chất, bất cứ ai khi phát huy được đức tính nhẫn nại, lòng thương yêu rộng lớn… thì họ đều phải trải nghiệm qua những biến cố thăng trầm trong cuộc sống. Bạn có biết vì sao tình thương yêu của cha mẹ được các nhà thơ, nhà văn ví như núi cao, như biển rộng không? Vì sự hy sinh của cha mẹ đối với con cái quá lớn lao; họ phải thức khuya dậy sớm, mang nặng đẻ đau và tất bật ngược xuôi trên mọi nẻo đường để kiếm từng đồng tiền, hạt gạo mong sao nuôi dạy con khôn lớn, trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội! Với tâm nguyện cao cả như thế, nên họ không ngại gian khó để tiếp cận và giáp mặt với mọi biến cố bất như ý xảy ra. Từ đó, họ học ra được vô số bài học quý giá thiết thực ngay trong mỗi hoàn cảnh của cuộc sống. Vì vậy, nếu bạn cố tình tránh né những rối ren trắc trở xảy ra, là tự đánh mất cơ hội phát huy sự hiểu biết và lòng thương yêu vốn có trong bạn.

Thực tế cho thấy, có rất nhiều người khi cuộc sống êm ấm, tiền của dư dả, công danh sự nghiệp hanh thông thì họ ít khi quan tâm tới việc tìm hiểu và học hỏi đạo lý với quý Tăng-ni. Thế nhưng vào một ngày nào đó, bất ngờ họ gặp phải sự cố nghiệt ngã tang thương xảy ra như là: bị tai nạn giao thông, mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo, kinh tế thất thoát, vợ hoặc chồng đi quan hệ bất chính với kẻ khác… thì họ mới cảm nhận được những nỗi khổ niềm đau của kiếp làm người! Từ đó, họ chỉ một lòng quy hướng Tam bảo và tinh tấn tu niệm để tạo dựng niềm an lạc giải thoát. Như vậy, nhờ tiếp cận, cọ xát với những đau thương khổ nạn, con người mới có cơ hội để tỉnh thức và giác ngộ, nên trong đạo Phật có câu “phiền não tức Bồ-đề” là vậy.

Thực ra, nếu bạn có ý chí mạnh mẽ và quyết tâm hướng thiện để xây dựng một nếp sống an vui hạnh phúc cho tự thân và cuộc đời, thì chính năng lượng cao đẹp ấy sẽ tạo ra sức mạnh để giúp bạn điều phục được các ý niệm tham sân chấp ngã một cách dễ dàng. Và điều này đã được Đức Thế Tôn chỉ dạy rằng: “Có hai sức mạnh, này các Tỷ-kheo. Thế nào là hai? Sức mạnh tư sát và sức mạnh tu tập. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sức mạnh tư sát? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tư sát như sau: Với thân làm ác, quả dị thục là ác, ngay hiện tại và trong đời sau. Với miệng nói ác, quả dị thục là ác, ngay trong hiện tại và trong đời sau. Với ý nghĩ ác, quả dị thục là ác, ngay trong hiện tại và trong đời sau. Vị ấy, tư sát như vậy, từ bỏ thân làm ác, tu tập thân làm thiện, từ bỏ miệng nói ác, tu tập miệng nói thiện, từ bỏ ý nghĩ ác, tu tập ý nghĩ thiện, tự xử sự thật thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sức mạnh tư sát. Và thế nào, này các Tỷ-kheo, là sức mạnh tu tập? Ở đây, này các Tỷ-kheo, sức mạnh tu tập tức là sức mạnh của người hữu học. Do sức mạnh tu tập, vị ấy từ bỏ tham, từ bỏ sân, từ bỏ si. Sau khi từ bỏ tham, từ bỏ sân, từ bỏ si, vị ấy không làm các điều bất thiện, không phục vụ các điều ác. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sức mạnh tu tập”. (Tăng Chi Bộ I, tr.102-103)

Nếu bạn thường trực thận trọng, chú tâm quan sát về mọi hành động, nói năng và dòng suy nghĩ của mình trong từng phút giây hiện tại thì sẽ không làm khổ mình và hại người, không tạo ra hệ quả bất thiện cho đời này và cả đời sau nên gọi là sức mạnh tư sát. Mặt khác, khi nội tâm của bạn được an tịnh và sáng suốt thực sự thì bản ngã tham sân si không còn hiệu lực để chi phối lên đời sống, lúc bấy giờ mọi hành vi bất thiện kể như chấm dứt, bạn hoàn toàn tự do giải thoát ngay trong đời sống hiện tại, và đây chính là sức mạnh tu tập mà mỗi hành giả cần phải thực thi.

Để điều chỉnh nhận thức và hành vi sai trái của mình, chúng ta cần phải biết thực hành đúng như lời Thế Tôn đã chỉ dạy: “Mỗi khi nội tâm có tham dục, vị khất sĩ ấy ý thức là nội tâm có tham dục. Mỗi khi nội tâm không có tham dục, vị ấy ý thức là nội tâm không có tham dục. Vị ấy cũng quán chiếu như thế đối với tâm sân hận, tâm si mê, tâm thu nhiếp, tâm tán loạn, tâm khoáng đạt, tâm hạn hẹp, tâm cao nhất, tâm định và tâm giải thoát”. (Nhật tụng thiền môn năm 2000, tr.113)

Trong khi bạn hành thiền, chắc chắn sẽ có những ý niệm lăng xăng khởi lên, nếu bạn kháng cự và khẩn trương muốn loại trừ chúng thì kể như bạn không còn thiền hoặc tịnh gì nữa. Vì chính thái độ muốn được an tịnh ấy lại là bất an! Thế nhưng, vẫn có không ít người vì thiếu khả năng quán chiếu, họ chỉ muốn “lánh động tìm tịnh” nên vẫn bị bản ngã tham sân si đánh lừa và sai khiến. Ở đây, nội dung của đoạn kinh cho ta thấy rằng, khi trong tâm khởi lên bất cứ niệm gì dù đó là ý niệm tốt đẹp cao thượng nhất, ta chỉ cần nhận diện trọn vẹn y như nó đang là, mà không gia tâm thêm bớt điều gì cả thì cấu trúc của bản ngã tức thời rơi rụng. Nhờ đó, vị khất sĩ thấy ra được nguyên lý vận hành sinh diệt của các pháp, nên chẳng còn có ý niệm tham muốn hoặc nắm giữ bất cứ điều gì ở đời.

Để nhận thức rõ giá trị hai mặt của cuộc sống, chúng ta cần phải biết trở về với chính mình, thường trực quan sát thân tâm và hoàn cảnh đương tại. Dù bất cứ ở đâu, làm gì bạn cũng nên quan sát như thế, khi thân tâm trở nên nhất như, an tịnh thì cái nhìn của bạn về đời sống này không còn phân chia một mặt hoặc hai mặt gì cả, mà chỉ có cái nhìn thương yêu và trân quý!