Kính gửi Thầy,
Trong cái tất bật của những ngày cuối năm 2024, con nhận ra bên trong mình vẫn còn có cái gì đó đang còn lấn cấn. Con biết, đó là nhiệm vụ hoàn thành trọn vẹn bài Trình Pháp của mình đối với khóa học Thiền Trong đời sống. Đôi khi, con tin rằng mình không thực sự bận, cái sự “ bận” của mình, đôi khi là để khỏa lấp một điều gì quan trọng khác. Dù là điều quan trọng, nhưng lại là thứ mà tâm mình không muốn thực hiện, vì nhiệm vụ đó có thể phơi bày nhiều điều chưa đẹp, thế nên, nó tinh tế lấy lý do là “ bận”. Con nhận ra lý do chân thực vì sao lại trì hoãn bài tập này, dù con là người dễ dàng viết ra rất nhiều thứ hay và đẹp bằng ngôn từ, vì đó cũng là thế mạnh mà con có. Tuy nhiên, đứng trước Pháp, con biết mình không thể giấu diếm. Những bài học của học phần này, con chỉ “lờ mờ” : Lờ mờ tức nghĩa là con chỉ hiểu trên bề mặt, hoặc hiểu một cách nông cạn, bởi sự thực hành còn chưa tinh tấn, chưa sâu lắng. Nên con không thể nhớ được trọn vẹn những bài Pháp mà Thầy dạy, một cách xuyên suốt như lớp Con đường hạnh phúc. Dẫu vậy, một vài điều nhỏ nhoi con có thể tạm gọi là chút hoa trái trong lớp học này đó là :
1/ Con đã hiểu nội dung bài kinh quan trọng của Đức Phật , vị Thầy cao cả trong con. Và đặc biệt , con cảm thấy thật sự ấn tượng khi Thầy cho con “ Thấy” rằng, Pháp là thứ rất rõ ràng “on the table” chứ không phải là những cái gì huyền bí, dấu giếm, chỉ cần hiểu ra, lúc ấy ta đã có được sự hạnh phúc ngay tại đó. Không cần phải làm gì thêm, và đôi khi, chính cái ý nghĩ “ chà, mình cần phải thay đổi điều này hay điều khác” lấy đi thực tại đang có mặt, lấy đi những cái thấy rõ ràng trước mắt mình. Những điều chỉnh của con đôi khi không phải cái gì to lớn như thay đổi 1 cách thức thực hành, những thay đổi này đôi khi chỉ là những câu hỏi hoài nghi trong quá trình thấy biết : Đôi khi, tất cả đều không thật sự cần thiết. Và khi không cần thiết, thì không cần phải làm. Giống như lúc ốm bệnh, cần thì sẽ uống thuốc : chọn bao nhiêu thuốc, uống trong bao lâu, và khi nào thì chấm dứt để chuyển sang cách điều trị tự nhiên…Tất cả phải tùy thuận vào sự nhìn nhận của mình với tất cả những điều kiện xung quanh. Đó không thể là quyết định đưa ra do bởi : mình nghĩ, mình cho rằng … được.
2/ Trong thời gian học, con cũng nhắc nhớ những câu, những ý trong lời Thầy dạy: Vô ngã là Niết Bàn, khi buông cái ngã mình xuống thì Trí Tuệ mới phát sinh. Điều này thật sự quý gía. Dạo này, trong những cuộc tranh cãi hay khó chịu vì chuyện gì đó, bỗng nhiên, trong mớ suy nghĩ hỗn loạn của mình, con luôn nghe thấy câu ấy. Và mặc dù rất khó để có thể xoay chuyển cái tâm mình theo hướng buông mọi thứ xuống. Khi câu nói đó vang lên trong đầu, con vẫn cảm thấy mình được cứu, nó giúp con không thả mình theo những tranh cãi nhiều hơn, cảm thấy tốt nhất thì mình thua đi cũng được (Thua ai thì cũng không còn cần thiết nữa)- Chỉ biết là, khi cái tâm đang không thể định, thì chắc chả có chuyện gì tốt lành.
3/ Có hai điều khá thú vị trong nội dung bài học, làm cho con cảm thấy vô cùng Happy và dễ nhớ.
Thứ nhất, đó là biểu đồ về 7 Chi phần giác ngộ. Lúc Thầy trả lời câu hỏi của con về biểu đồ này, một phần con hiểu hơn, nhưng câu nói khiến con cảm thấy vui nhất lại là câu bất chợt Thầy nói rằng : Vì không phải lúc nào mình cũng cần phải Thấy rõ. Lúc nào cần thấy rõ thì mới cần phải dùng Pháp đó, còn lúc nào cần thư thái thoải mái, thì không cần phải thấy rõ. Điều này làm con thấy ra một vài điểm chưa đúng trong quá trình con thực hành chánh niệm hàng ngày. Qủa thực, đã có lúc , con có để cái tâm muốn thấy rõ mọi thứ, liên tục như thế. Và sau đó, thì tự chính con cũng cảm thấy, đó quả là một sự phiền phức khác. Quán sát cuộc sống, con thấy rằng mỗi người đều phải đối diện với một “cơn bão”, một loại tập khí thói quen mạnh mẽ, khó điều chỉnh và sâu dày hơn những thứ khác( Thứ khác thì vẫn có đầy đủ nhưng dễ nhận diện và cũng dễ chấp nhận). Tập khí thói quen này đôi khi là thứ chúng ta ghét nhất và muốn thay đổi nhất sau khi học và hiểu đạo, sau khi quán sát tâm mình một thời gian. Xu hướng của tâm, muốn che đậy và ít chịu thứ tha, accept cho tập khí đó, mà muốn dùng cái này khỏa lấp cái kia, muốn dùng lý do bên ngoài để ngừng chuyện đối diện cái xấu xí đó. Con cũng vậy, có lẽ hiện tại, “cơn bão” của con là quá nhiều những bộn bề công việc nhỏ, nhiều thứ “trách nhiệm” ôm đồm, sống luôn cuộc đời người khác…. Tập khí thứ 2 là kỉ luật ăn uống, sinh hoạt ngủ nghỉ chưa thật sự tốt. Tập khí thứ 2 là hậu quả của tập khí thứ 1, lấy lý do nhiều việc để khỏa lấp chuyện phải chăm sóc sức khỏe lên hàng đầu. Chính vì thế, đôi khi con “cố” để rõ biết mọi thứ hiện tại. Dần dần, con điều chỉnh, đôi khi con tự biết mình cần phải yêu thương bản thân mình hơn là bất kì ai cần hiểu và thương con. Vì chờ đợi để được yêu thương cũng là 1 dạng stress rất lớn rồi.
Tựa trên mặt kém cỏi này của mình, con tin là mình cũng sẽ học hỏi và thay đổi được nhiều thứ khác. Chẳng hạn như quán sát mình thực hiện mọi thứ từ đầu đến cuối (Dĩ nhiên là lúc thực sự có ít trách nhiệm và không bị hối thúc) , giúp con biết được 1 vài tập khí của mình là cái gì trong phạm vi cái thấy con xử lý, nhưng xử lý cái nọ sẽ xọ sang cái kia (Cũng có thể vì là người phụ nữ, con có nhiều công việc, nhiều trách nhiệm)- Đôi khi, nhận diện và dừng lại để raise lên với người khác cũng là một điều tỉnh thức nho nhỏ con làm cho mình trong thời gian này.
Thứ hai, trong phần giảng cuối cùng của Thầy : bài Tứ thánh Đế. Trước giờ con chỉ biết một chiều về Khổ, và cũng hiểu sai lầm rằng ý Đức Phật là : đời là bể khổ, và để thấy cái khổ đó thì mới diệt được khổ. Nhưng khi được học bài của Thầy, con mới hiểu đây là mệnh đề song song hai chiều rõ ràng: Tập Đế > Khổ đế và Đạo đế > Diệt đế. Điều này rõ ràng hơn cho con Thấy rõ con đường. Con đường hoàn toàn là một đường hướng nhìn, nghe , thấy- biết cuộc sống theo một cách sáng tỏ. Vấn đề của người thực hành, là có thật sự sâu lắng để nhìn cuộc sống theo hướng Đạo đế hay không. Để từ đó, cuộc đời không còn là bể khổ, mà hoàn toàn có thể là một cuộc đời hạnh phúc với tất cả các chất liệu vốn có sẵn trong đời.
Bước đến năm 2025, con hi vọng có thể học lại khóa học này, cùng song song với 2 nhiệm vụ tuy ngắn gọn nhưng vẫn sẽ là thử thách với con đó là:
1/ Thấy biết trách nhiệm của mình rõ ràng hơn trong cuộc sống, trao cơ hội cho Chồng, cho con cái, cho những người thân yêu có thể hỗ trợ con hoàn thành những công việc trong cuộc sống. Để cùng nhau happy và trọn vẹn.
2/ Không làm cho mình bận hơn để khỏa lấp việc chăm sóc chính mình, làm cho thời gian đó là ý nghĩa và mang lại giá trị tốt lành cho mình. Đó phải là khoảng thời gian being chất lượng. Để dành cho chính mình.
Con trân trọng và biết ơn cuộc sống cho con cơ hội quý giá được tiếp xúc với những hiểu biết sâu sắc này.
Con cũng biết ơn Thầy
Con cũng biết ơn chính mình đã vượt qua kỳ Trình Pháp này.
P/S: Con đợi Viên Đức hoàn thành bài và nộp chung, mong Thầy hoan hỷ. Thật sự con thấy vui khi có người bạn này đồng hành với mình. Sự đồng hành này làm cho con không còn thấy ngần ngại hay lo âu khi dành thời gian cho Pháp, cho Thầy và gia đình Đạo Viên, sống trọn với những gì là ý nghĩa nhất trong đời sống hiện tại của con thay vì cố gắng làm một người vợ, người mẹ.