Chương trình khóa tu mùa thu

2021-10-08 in Bài Viết, Thời khóa

Chương trình Khóa Tu Mùa Thu & Lễ Hội Quan Âm

Thứ bảy & Chủ nhật, ngày 23 & 24/10/2021

Thứ bảy,  ngày 23: T 09:00 AM đến 10:00 PM

  • 09:00 AM: Ghi danh
  • 09:15 AM: Hướng dẫn tổng quát
  • 09:30 AM: Thiền hành
  • 10:00 AM: Pháp thoại – Thầy Tâm Nguyên
  • 11:30 AM: Lễ kỳ siêu
  • 12:30 PM: Thọ trai
  • 01:30 PM: Thiền buông thư
  • 02:15 PM: Thiền tọa & Lễ Phật
  • 02:45 PM: Vấn đáp – Tất cả quý Thầy
  • 04:00 PM: Chấp tác
  • 06:00 PM: Ẩm thực
  • 07:30 PM: Pháp Hội Quán Thế Âm
  • 10:00 PM: Đi ngủ

Chủ nhật,  ngày 24: T 06:00 AM đến 5:00 PM

  • 06:00 AM: Thiền tọa, Lễ Phật & Tụng kinh
  • 07:30 AM: Trà đạo
  • 08:30 AM: Điểm tâm
  • 09:30 AM: Thiền hành
  • 10:00 AM: Pháp thoại – TT. Thích Tánh Tuệ
  • 12:30 PM: Thọ trai
  • 01:30 PM: Thiền buông thư
  • 02:30 PM: Chia sẻ cảm nhận khóa tu
  • 05:00 PM: Chụp hình lưu niệm & kết thúc khóa tu

Bốn điều cần nương theo và không nên theo

2020-12-24 in Bài Viết

1. Y pháp, bất y nhân: Nương vào pháp, mà không nương theo người.
Pháp ở đây là chân lý, là tất cả các sự vật hiện tượng đang diễn ra ở nơi mỗi con người trong giây phút hiện tại. Người học đạo cần thấy rõ sự vận hành của pháp, nương theo thực tại đang diễn ra đó và sống cùng với thực tại ấy.
Nhân là con người, con người ấy có thể là cha, mẹ, anh chị em, là bạn, là thầy và cho dù đó là đức Thế Tôn thì ta cũng không thể nương vào, vì chân lý vốn có sẵn nơi chính mình chứ không nơi khác. Phật hoặc những vị thầy là người chỉ cho ta thấy con đường, còn đi như thế nào, gặp những trở ngại gì… thì tự thân của mỗi người có cảm nhận khác nhau, nên mỗi người cần tự điều chỉnh cho phù hợp với thực tại chân lý, chứ không thể y cứ giống hệt như người thầy. Cố nhiên, chúng ta cần nương vào vị Thầy nào đó để học hỏi đạo lý, nhưng pháp thực hành thì ta phải biết trở về với tự thân của mình để điều chỉnh nhận thức và hành vi trong mỗi phút giây hiện tại chứ không ai khác.

2. Y trí, bất y thức: Nương vào trí tuệ, mà không nương theo nhận thức chủ quan.
Trí là tuệ giác do thực hành giới định mà có, trí tuệ không phải do vay mượn kiến thức xã hội hoặc đọc nhiều kinh sách mà có được. Trí tuệ là cái thấy trong sáng vượt thoát mọi quan điểm, tư duy lưỡng nguyên hữu ngã. Thực tại đang như thế nào thì thấy như thế đó mà không thêm bớt bất cứ điều gì.
Thức là nhận biết có chọn lựa, phân tích chia chẻ, và có thói quen tích lũy những quan điểm kinh nghiệm của quá khứ và dễ dàng áp đặt lên thực tại.
Kiến thức rất cần thiết vì đã giúp cho chúng ta hiểu biết về cơ bản của cuộc sống, nhưng kiến thức không đủ khả năng giúp cho chúng ta vượt thoát ra khỏi phiền não khổ đau.
Người học đạo muốn trực nhận được chân lý thì cần thường trực trở về với chính mình để tâm được định tĩnh, và nương vào cái thấy sáng suốt đang là, chứ không nương theo kinh nghiệm chủ quan, hoặc nhận thức khô cứng do vay mượn học hỏi từ bên ngoài.

3. Y nghĩa, bất y ngữ: Nương vào nghĩa, mà không nương theo ngôn ngữ.
Nghĩa là nội dung, là nghĩa lý thâm sâu được mô tả bởi ngôn ngữ diễn đạt để giúp cho người nghe thông qua ngôn ngữ ấy mà thấu hiểu được vấn đề. Tuy nhiên, có những người do chấp chặt vào lời nói nên không lãnh hội được nội dung của người muốn nói. Do đó, người học đạo cần phải “học hạnh lắng nghe” với tâm định tĩnh sáng suốt để không bị dừng lại vào ngôn ngữ diễn đạt, mới có thể thông suốt được nội dung thâm sâu của người muốn nói.

4. Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa: Nương vào nghĩa lý giác ngộ giải thoát, mà không nương theo nghĩa lý không đem lại sự giác ngộ giải thoát.
Liễu nghĩa là nghĩa lý có chất liệu của chân lý giác ngộ giúp cho con người vượt ra khỏi lục đạo luân hồi. Liễu nghĩa là nghĩa lý cao siêu vượt lên trên những nghĩa lý thông thường của thế gian nên đươc gọi là chân đế.
Bất liễu nghĩa là nghĩa lý bình thường đối đãi tạm bợ trong thế gian cho nên gọi là tục đế. Bất liễu nghĩa không có khả năng giúp cho con người vượt khỏi vòng sanh tử luân hồi.
Tuy nhiên, tùy theo duyên nghiệp, căn cơ và trình độ của mỗi người để tiếp nhận những nghĩa lý khác nhau. Đối với người này thì giáo nghĩa đó phù hợp, nhưng đối với người kia thì chẳng mấy đem lại lợi ích an vui cho họ. Vì vậy, ta không thể nào khẳng định rằng, thể loại kinh văn này là bất liễu nghĩa, còn thể loại kinh văn kia là liễu nghĩa. Ví như với giáo lý tối thượng nhưng đối với người căn cơ tối tăm thì không thể lãnh hội được, nên giáo lý ấy không có ý nghĩa cao thâm đối với họ. Nhưng đối với người căn cơ nhạy bén thì liền trực nhận ra được điểm yếu chỉ thâm sâu nên đối với họ thật tuyệt vời!
Tóm lại, điều cốt lõi là người học đạo muốn thành tựu trí tuệ giác ngộ thì cần nương vào lời chỉ dạy của các bậc minh sư để biết cách ứng dụng hành trì, nhằm có cơ hội khai sáng tâm thức và sống trọn vẹn với từng khoảng khắc hiện tại.

Viên Ngộ

Chánh pháp, tượng pháp, mạt pháp

2020-11-22 in Bài Viết

 

Đạo Phật: Đạo là chân lý, là con đường. Phật là người tỉnh thức, là người thấy ra sự thật chân lý. Sự thật thì đang hiện hữu ở nơi mỗi người, ngay nơi thân, thọ, tâm, pháp. Ví dụ: thực tại của bông hoa này là như vậy, không cần suy luận, phân tích gì cả mà mọi người đều thấy ra sự thật ngay lúc này. Nhưng khoảng một tuần sau, khi có một người kể về bông hoa theo cách diễn tả của người ấy cho một nhóm người khác nghe, nhưng bản thân của những người nghe không thấy thực về bông hoa, và như thế họ cứ phán đoán theo trí tưởng tượng của họ; người này thì nói bông hoa là màu trắng, người nọ thì cho rằng bông hoa màu vàng, v.v… nên cái thấy của họ về bông hoa chỉ là ảo tưởng. Trong thực tế, người nào khéo thấy ra thực tại của bông hoa với tâm rỗng lặng trong sáng, không qua phân tích, bình luận, chứng minh gì cả, thì ngay lúc đó chân lý hay chánh pháp hiện hữu đối với họ.

Phật giáo: Là y theo lời Phật dạy trong kinh văn để tu tập, chứ không tiếp xúc được với hiện thực. Vì sau 100 năm đức Phật Niết bàn thì 25 bộ phái xuất hiện và luận giải lời Phật dạy khác nhau nên gọi là dị bộ luận và đến khoảng 600 năm lại ra đời 10 tông phái chính: Nhất thiết hữu bộ, độc tử bộ, hóa địa bộ, pháp tạng bộ, ẩm quang bộ, v.v… mỗi tông phái y cứ vào một bộ kinh để tu hành. Ví dụ: kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Kim Cang, Di Đà… và từ đó Phật giáo đã hình thành nên các tông phái.

Pháp môn: Là cửa ngỏ đi vào ngôi nhà phật pháp. Khi các tông phái được thành lập thì có nhiều pháp môn ra đời. Trong pháp môn ấy lại có nhiều phương pháp tu tập khác nhau và dĩ nhiên sẽ phù hợp với người này, nhưng lại không hợp với người kia, nên phương pháp đó bị giới hạn và không thực dụng cho tất cả mọi người, nên dễ dàng dẫn tới các cuộc tranh luận đúng sai. Từ đó tạo ra thanh quy và hệ thống tổ chức, và nếu ai đó không thực hiện đúng nội quy tổ chức thì sẽ sa thải, tách rời, v.v… Mặt khác, vì ta không thấy rõ thực tại chân lý mà chỉ nương vào các biểu tượng mô tả trong kinh để tìm hiểu chân lý nên gọi là Tượng Pháp. Tượng là tương tựa như vậy chứ không chính xác như lời đức Thế Tôn khai thị. Đơn cử, không ai thấy rõ hình tướng đức Phật như thế nào cả, cho nên mỗi người tự khắc họa tượng Phật khác nhau theo trí tưởng tượng suy đoán của riêng họ, nên thế giới ngày nay có vô số hình ảnh về đức Phật khác nhau.

Tôn giáo: Là tôn thờ lời dạy của một bậc đạo sư nào đó mà chúng ta tôn kính. Nhưng chỉ biết tôn thờ mà không hiểu rõ về nội dung lời dạy của bậc đạo sư ấy thì gọi là tín ngưỡng. Và tin mà không hiểu thì sẽ dễ dàng rơi vào mê tín. Đến với đạo mà chỉ dừng lại ở niềm tin, chứ không tìm hiểu học hỏi và thực hành để đem lại niềm an vui giải thoát, thì người ấy sống cách xa chân lý nên gọi là mạt pháp. Mạt là ngọn ngành, là cành lá chứ không phải gốc rễ của thân cây.

Thiết nghĩ, vì mọi thứ trên cuộc đời đều thay đổi theo thời gian, nên người học đạo cũng phải biết khéo léo vận dụng và tạo ra các phương tiện tu học, nhằm đáp ứng phù hợp cho con người trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên, chân lý thì muôn đời vẫn thế, nếu một người con con mắt tuệ sáng trong, thì cho dù ở bất cứ hoàn cảnh hay thời đại nào đi nữa, thì người ấy cũng có thể tiếp xúc được với chân lý nhiệm mầu.

Như vậy, Chánh pháp, tượng pháp, mạt pháp là tùy ở nơi mỗi người có biết học hỏi và thực hành đúng hay không, chứ không phải ở thời gian hay không gian nào cả. Nếu một người sinh ra vào cùng thời Đức Phật, nhưng họ thực hành không đúng pháp và không có an lạc, thì người ấy sống trong thời mạt pháp. Còn ngược lại, tuy những người sống cách xa Phật, nhưng lại thực hành đúng pháp và đem lại sự an lạc giải thoát, thì người ấy đang sống trong ngôi nhà chánh pháp.

Viên Ngộ

ĐẠI LỄ VU LAN 2020

2020-07-24 in Bài Viết, Thông báo

Kính thưa đại chúng!

Mùa Vu Lan lần nữa lại về, chúng con tại Tu Viện Đạo Viên thành tâm tổ chức đại lễ Vu Lan Báo Hiếu, với lòng biết ơn vô hạn hướng về mẹ cha quý kính. Xin trân trọng kính mời toàn thể quý đồng hương phật tử xa gần trở về Tu Viện cùng tham dự với chư Tôn Đức trong ngày lễ trọng đại này. Buổi lễ sẽ được tổ chức phía ngoài sân của Tu Viện có nhiều cây cổ thụ xanh tươi rợp bóng mát.

Sự hiện diện của quý vị trong buổi lễ là biểu hiện tinh thần hiếu thảo của người con đối với đấng sinh thành đã dày công giáo dưỡng, và đồng thời góp phần làm cho buổi lễ Vu Lan thêm phần trang nghiêm và ấm tình đạo vị!

CHƯƠNG TRÌNH GỒM CÓ

1. LỄ GIỖ ÂN SƯ  – HT. THÍCH QUANG ĐẠO
2. AN VỊ TÔN TƯỢNG QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
3. PHÁP THOẠI: HT THÍCH MINH ĐIỀN
4. LỄ BÔNG HỒNG CÀI ÁO
5. CÚNG DƯỜNG TRAI TĂNG
6. ẨM THỰC CHAY & VĂN NGHỆ

CHỦ NHẬT, NGÀY 30 THÁNG 8 NĂM 2020

(nhằm ngày 12 tháng 07 năm Canh Tý)
Bắt đầu từ 10:00 AM đến 3:00 PM

TU VIỆN ĐẠO VIÊN
1810 Nuttal Ave, Edgewood, MD 21040
www. tuviendaovien.com, Tel: (410) 612 – 0863
Email: tuviendaovien@gmail.com

Trân trọng kính mời!

Thay mặt tăng chúng

Trụ trì – Thích Viên Ngộ